Những người tiên phong
Ngôi nhà đồ sộ, bề thế của Trưởng thôn Trung Sơn - Trần Thế Tuyên nằm nép mình bên sườn đồi, xung quanh chỉ toàn rừng. Ai cũng biết, có được cơ ngơi đó là nhờ rừng FSC. Năm 2015, Trưởng thôn Tuyên là người đầu tiên trồng rừng FSC. Là trưởng thôn, được tham gia các lớp tập huấn trên xã, anh Tuyên mạnh dạn chuyển đổi từ trồng rừng theo phương pháp thông thường sang trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC trên diện tích 10ha.
![]() |
Lãnh đạo xã Tân Mỹ khảo sát tình hình trồng rừng FSC tại thôn Nà Héc. |
Năm 2022, lần đầu tiên, anh Tuyên thu hoạch rừng FSC, trừ chi phí, mỗi ha, anh thu lãi từ 60 -80 triệu đồng, tổng thu hoạch 10ha rừng lần đầu tiên, anh Tuyên thu về gần 1 tỷ. Anh Tuyên bảo: “Lần đầu tiên, người nông dân chân lấm tay bùn như tôi được cầm số tiền lớn như vậy”. Nhận thấy giá trị kinh tế, năng suất, sản lượng gỗ thu hoạch vượt trội, anh Tuyên vận động các hộ dân làm theo. Nhưng người dân vẫn chưa thật sự tin tưởng nên chỉ có 14 hộ tham gia.
Sau khi thu hoạch, anh Tuyên tiếp tục trồng gối vụ, rừng trồng FSC của gia đình anh giờ đã được 3 năm tuổi. Cây khỏe, vươn thẳng, có sức chống chịu tốt. Vụ trồng thứ 2 này, anh Tuyên đã có kinh nghiệm hơn nên áp dụng đúng kỹ thuật, phương pháp chăm sóc theo tiêu chuẩn FSC. Ngoài lao động trong gia đình, anh Tuyên còn thuê thêm 4 lao động thời vụ để chăm sóc rừng trồng.
Tận mắt nhìn thấy rừng của trưởng thôn Tuyên đẹp hơn hẳn những cánh rừng trồng thông thường, nhiều hộ dân bắt đầu bảo nhau chuyển đổi sang trồng rừng FSC. Một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế những cánh rừng FSC được nhân rộng ở Trung Sơn rồi sang các thôn khác như Bản Giảo, Bản Chẳng, Nà Héc. Bây giờ ở Trung Sơn có tới 40% số hộ tham gia trồng rừng FSC, toàn thôn có 170 ha rừng thì có trên 70 ha rừng FSC. Trung Sơn cũng là một trong các thôn ở Tân Mỹ không còn hộ nghèo phải ở nhà tạm, dự kiến hết năm nay, thôn chỉ còn 7 hộ nghèo.
![]() |
Bà Quan Thị Nìu, thôn Bản Chẳng chăm sóc rừng FSC. |
Bản Giảo là một trong các thôn có diện tích rừng FSC lớn nhất xã Tân Mỹ. Trưởng thôn Quan Văn Tươi cho biết, thôn có gần 300 ha rừng FSC, trong đó có 64/91 hộ tham gia. Cả thôn bắt đầu tham gia trồng rừng FSC từ năm 2017. Hộ ông Phùng Văn Quyết là hộ đầu tiên trong thôn mạnh dạn trồng rừng FSC. Ông Quyết được xem là tỷ phú rừng FSC ở xã Tân Mỹ bởi sở hữu diện tích rừng FSC lớn nhất với 12 ha. Ông Quyết đã thu hoạch 12 ha rừng FSC lần đầu tiên cách đây 2 năm và hiện đã trồng gối vụ. Mỗi ha rừng FSC cho khai thác mang về cho gia đình ông Quyết từ 60-100 triệu đồng/ha.
Có kinh tế vững vàng từ rừng FSC, ông Quyết đã đầu tư xây dựng nhà ở mới khang trang, cuộc sống của vợ chồng và các con ông trở nên dư dả hơn trước. Gương mặt ông Quyết tuy có sự lam lũ, vất vả, dày dạn gió sương của người làm rừng nhưng vẫn toát lên vẻ rạng ngời, phấn khởi khi nhắc về thành quả trồng rừng FSC. Ông bảo: “Giờ nhớ lại những ngày đầu tiên trồng rừng FSC tuy vất vả, vừa làm vừa lo nhưng cuối cùng tôi cũng đã thành công. Tôi rất vui vì sự mạnh dạn của mình đã truyền động lực để nhiều hộ khác cũng tham gia trồng rừng FSC”.
Xác định mũi nhọn kinh tế
Nhiều năm liên tục, Đảng bộ xã Tân Mỹ xác định lãnh đạo phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội của xã. Bởi vậy, xã luôn chú trọng liên kết với doanh nghiệp, đơn vị liên quan để tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người trồng rừng kỹ thuật trồng rừng tiêu chuẩn FSC. Công tác nắm bắt tình hình trồng rừng được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã chú trọng nhằm kịp thời động viên, khích lệ người dân tham gia và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
![]() |
Rừng trồng theo quy trình FSC của trưởng thôn Quan Văn Tươi. |
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hoàng Trần Trung cho biết, ngay sau khi vận hành chính quyền cấp xã mới, lãnh đạo xã đã tổ chức khảo sát tình hình trồng rừng FSC để có kế hoạch lãnh đạo phát triển, mở rộng quy mô diện tích trong thời gian tới. Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đã và đang khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, bền vững và là mũi nhọn để phát triển kinh tế, giảm nghèo của xã.
Năm 2017, xã Tân Mỹ triển khai đánh giá và cấp chứng chỉ lần đầu cho 952 ha rừng của 2 xã Tân Mỹ (cũ), Hùng Mỹ (cũ). Đến năm 2021, tiếp tục đánh giá và mở rộng diện tích lên 2.300 ha. Năm 2025, sau khi hợp nhất xã Tân Mỹ, Hùng Mỹ thành xã Tân Mỹ (mới), qua triển khai đã có 420 hộ dân đăng ký với tổng diện tích là 1.500 ha, nâng tổng số diện tích trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC trên địa bàn xã lên 3.800 ha với 1.680 hộ dân tham gia.
Kinh tế lâm nghiệp của xã có bước phát triển rõ nét, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy; bình quân hằng năm, toàn xã khai thác trên 9.000m3 gỗ (FSC); trồng mới trên 100 ha rừng FSC. Trên địa bàn xã đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng duy trì ổn định trên 3.800 ha phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ, giấy lớn của tỉnh. Thu nhập bình quân từ trồng rừng đạt 60-100 triệu đồng/ha tùy theo địa hình, chất đất, tuân thủ khâu chăm sóc,…. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%.
Khi tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, người dân ở Tân Mỹ đã góp phần duy trì hệ sinh thái bền vững, phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất. Ngoài ra người dân thường xuyên được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, sản phẩm gỗ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các phương pháp trồng rừng truyền thống. Từ đó người dân có nguồn thu nhập cao, ổn định, giải quyết việc làm ngay tại địa phương.
Phóng sự: Thủy Châu
Báo Tuyên Quang online