Tham dự Hội nghị có ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước; ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT; các Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước: Nguyễn Minh Khuyến, Ngô Mạnh Hà, Nguyễn Hồng Hiếu; đại diện các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý tài nguyên nước và Thanh tra Bộ TN&MT.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh – Trưởng phòng Giám sát và Xử lý sau thanh tra, Thanh tra Bộ TN&MT đã phổ biến, trao đổi về những nội dung cần lưu ý trong công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên nước được quy định trong Luật Tài nguyên nước 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Trong đó, đã phổ biến cụ thể một số quy định của Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT giới thiệu những nội dung cần lưu ý trong công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước
Theo đó, quy định về công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước tại Bộ TN&MT được quy định như sau: Thanh tra Bộ TN&MT thực hiện thanh tra và kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên nước; Cục Quản lý tài nguyên nước thực hiện kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên nước.
Về hình thức thanh tra, kiểm tra bao gồm: Thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Đối với thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được quy định như sau: Hằng năm, theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt Kế hoạch thanh tra và Kế hoạch kiểm tra về tài nguyên và môi trường, trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên nước. Trên cơ sở Kế hoạch thanh tra và Kế hoạch kiểm tra đã được Bộ trưởng phê duyệt, Thanh tra Bộ và Cục Quản lý tài nguyên nước tiến hành thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên nước.
Về thanh tra đột xuất, Thanh tra Bộ thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Về kiểm tra đột xuất, căn cứ tiến hành được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 của Bộ TN&MT.
Quang cảnh Hội nghị
Theo đó, kiểm tra đột xuất được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau: Có chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên nước qua thông tin, số liệu quan trắc, giám sát, báo cáo của tổ chức, cá nhân; Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; Phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các phương tiện truyền thông, thông tin và các nguồn thông tin khác...
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Anh cũng phổ biến các nội dung thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước đối với UBND cấp tỉnh, bao gồm: Việc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất và kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước; điều kiện cấp giấy phép; việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đồng thời phổ biến các nội dung thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước đối với tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên nước, bao gồm: Việc tuân thủ theo nội dung Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã được cấp và các vi phạm khác.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Lan Anh - Trưởng phòng Thanh tra tài nguyên và môi trường Miền Bắc, Thanh tra Bộ TN&MT trình bày hướng dẫn trình tự, nội dung của một cuộc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật các lĩnh vực: đất đai, môi trường và tài nguyên nước, thí điểm là Nhà máy nước mặt sông Đuống với trình tự thực hiện từ chuẩn bị nội dung thanh tra; thực hiện thanh tra hiện trường; và kết thúc thanh tra.
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phổ biến, hướng dẫn việc thi hành Luật Tài nguyên nước
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh đã trao đổi, giải đáp các câu hỏi; nhấn mạnh một số mốc thời gian, các công việc mà các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải hoàn thiện theo Luật Tài nguyên nước 2023 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, ngày 1/7/2024, Luật Tài nguyên nước chính thức có hiệu lực. Trước đó, để đảm bảo đầy đủ các văn bản hướng dẫn Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Cùng với đó, ngày 16/5/2024, Bộ TN&MT cũng đã ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất). Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Theo Cục trưởng Châu Trần Vĩnh, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương. Việc phân cấp, phân quyền, chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa trong 2 Nghị định, 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.
Đoàn công tác của Bộ TN&MT tham quan thực tế các công trình khai thác và xử lý nước sạch của Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, đoàn công tác của Cục Quản lý tài nguyên nước và Thanh tra Bộ TN&MT đã đi tham quan thực tế các công trình khai thác và xử lý nước sạch của Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống, bao gồm: Khu vực Công trình thu và Trạm bơm nước thô; Khu vực Hồ sơ lắng và Trạm bơm dâng; Khu vực Nhà điều hành – SCADA; Khu vực Công trình xử lý chính;…
Đoàn công tác cũng nghe ông Bùi Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống giới thiệu mô hình khai thác và cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Đuống; xem video giới thiệu tổng quan Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.